Theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hồ sơ thủ tục Cấp điện tại các Công ty Điện lực cụ thể như sau:
1/ Hồ sơ cấp điện:
1.1/ Đối với khách hàng mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt:
1.1.1/ Hồ sơ gồm:
– Giấy đề nghị mua điện.
– Giấy tờ xác định địa điểm mua điện: cụ thể bản sao của một trong các loại giấy tờ sau: Hộ khẩu thường trú hoặc Sổ tạm trú; hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hoặc Hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hoặc Hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên; hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); hoặc Hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà/đất.
– Trường hợp khách hàng không có bất cứ một loại giấy tờ xác định địa điểm mua điện nào như nêu trên thì Giấy đề nghị mua điện cần có xác nhận về địa điểm mua điện của UBND phường, xã sở tại.
1.1.2/ Đối với khách hàng thay mặt cho khu tập thể, cụm dân cư mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt: Ngoài các giấy tờ nêu tại mục 1.1, cần có thêm Giấy ủy quyền hợp pháp của các hộ sử dụng điện chung trong khu tập thể, cụm dân cư (có chữ ký của các hộ đã được xác nhận hoặc chứng thực chữ ký).
1.1.3/ Khách hàng đang sử dụng điện sinh hoạt chung công tơ của khách hàng khác, nay có nhu cầu tách công tơ riêng và ký HĐMBĐ trực tiếp với Đơn vị điện lực:
– Hồ sơ đề nghị như mục 1.1.
Bản xác nhận đã thanh toán hết nợ tiền điện của chủ HĐMBĐ đang dùng chung hoặc bản cam kết của khách hàng có nhu cầu tách riêng công tơ sẽ chịu trách nhiệm thanh toán hết nợ tiền điện với chủ HĐMBĐ đang dùng chung.
1.2/ Đối với khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt:
1.2.1/ Hồ sơ gồm:
– Giấy đề nghị mua điện.
– Giấy tờ xác định địa điểm mua điện: cụ thể bản sao của một trong các loại giấy tờ sau: Hộ khẩu thường trú hoặc Sổ tạm trú; hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Quyết định phân nhà; hoặc Hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hoặc Hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên; hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoặc Hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà/đất; hoặc Hợp đồng thuê địa điểm.
– Trường hợp Khách hàng không có bất cứ một loại giấy tờ xác định được địa điểm mua điện nào như nêu trên thì Giấy đề nghị mua điện cần có xác nhận về địa điểm mua điện của UBND phường, xã sở tại.
– Giấy tờ xác định mục đích sử dụng điện: cụ thể là bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; hoặc Giấy phép đầu tư; hoặc Quyết định thành lập đơn vị.
– Một bảng kê thiết bị điện, chế độ và công suất sử dụng điện. Trường hợp Khách hàng mua điện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có công suất sử dụng cực đại từ 40kW trở lên, cần có thêm đăng ký biểu đồ phụ tải và đặc tính kỹ thuật công nghệ của thiết bị sử dụng điện.
1.2.2/ Khách hàng có nhu cầu mua điện ngắn hạn (không quá 12 tháng) phục vụ mục đích ngoài sinh hoạt:
– Hồ sơ đề nghị như mục b.1.
– Giấy bảo lãnh của Ngân hàng hoặc tiền đặt cọc bằng tiền điện dự kiến tiêu thụ 1,5 tháng hoặc bằng số tiền điện dự kiến theo số ngày đề nghị mua điện.
1.2.3/ Trường hợp khách hàng đang sử dụng điện có nhu cầu thay đổi công suất, Khách hàng chỉ cần có 01 Giấy đề nghị thay đổi công suất, kèm theo bảng liệt kê thiết bị điện tăng thêm.
2/ Thời gian giải quyết cấp điện:
2.1/ Đối với khách hàng mục đích sinh hoạt:
– Không quá 03 ngày làm việc đối với khách hàng ở khu vực Thành phố/thị xã/thị trấn.
– Không quá 05 ngày làm việc đối với khách hàng ở khu vực nông thôn.
2.2/ Đối với khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt:
– Trường hợp không có đầu tư trung áp: Không quá 07 ngày làm việc.
– Trường hợp có đầu tư trung áp: thủ tục cấp điện không quá 36 ngày làm việc, cụ thể:
+ Thời hạn giải quyết các thủ tục liên quan trực tiếp đến đơn vị Điện lực: Không quá 18 ngày làm việc, cụ thể:
++ Tiếp nhận yêu cầu cấp điện: ≤ 0,5 ngày
++ Khảo sát hiện trường: ≤ 1,5 ngày
++ Thỏa thuận đấu nối: ≤ 03 ngày
++ Thỏa thuận thiết kế: ≤ 03 ngày
++ Nghiệm thu và ký kết hợp đồng mua bán điện: ≤ 10 ngày
+ Thời hạn giải quyết các thủ tục liên quan trực tiếp đến các Cơ quan quản lý nhà nước: Không quá 18 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không và không quá 23 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm, cụ thể:
++ Xác nhận sự phù hợp quy hoạch phát triển điện lực tỉnh của các dự án điện: ≤ 03 ngày.
++ Thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện:
+++ ≤ 05 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không
+++ ≤ 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm.
++ Cấp phép thi công xây dựng công trình điện:
+++ ≤ 07 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không
+++ ≤ 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm.
3/ Chi phí đầu tư của Đơn vị điện lực và Khách hàng
3.1/ Đối với Khách hàng mua điện từ lưới điện hạ áp:
3.1.1/ Trường hợp Khách hàng cấp điện mới:
– Các khoản chi phí do Đơn vị điện lực đầu tư:
+ Toàn bộ chi phí vật liệu, nhân công lắp đặt, các khoản thuế và phí theo quy định của Nhà nước để lắp đặt nhánh rẽ từ lưới điện hạ áp đến công tơ và aptomat bảo vệ công tơ.
– Các khoản chi phí do Khách hàng đầu tư:
+ Toàn bộ chi phí vật liệu, nhân công lắp đặt dây dẫn điện từ sau công tơ vào nhà Khách hàng (trừ áp tô mát bảo vệ công tơ);
+ Trường hợp thuê Đơn vị điện lực thực hiện sẽ bao gồm cả thuế và phí theo quy định của Nhà nước.
3.1.2/ Trường hợp Khách hàng có nhu cầu thay đổi công suất:
Đơn vị điện lực chịu chi phí đối với thiết bị thuộc tài sản của Đơn vị điện lực; Khách hàng chịu chi phí đối với thiết bị thuộc tài sản của Khách hàng.
3.1.3/ Trường hợp thay đổi vị trí thiết bị đo đếm.
– Khách hàng có nhu cầu thay đổi vị trí thiết bị đo đếm điện, toàn bộ chi phí để thay đổi vị trí thiết bị đo đếm do Khách hàng đầu tư (trừ công tơ).
– Đơn vị điện lực cần thay đổi vị trí thiết bị đo đếm điện, toàn bộ chi phí để thay đổi vị trí thiết bị đo đếm điện do Đơn vị điện lực đầu tư.
3.2/ Đối với Khách hàng mua điện từ lưới điện trung áp:
– Điểm đấu nối cấp điện đã được thỏa thuận là cơ sở pháp lý để hai bên tiến hành thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện theo quy định của Nhà nước.
– Trước khi đầu tư xây dựng công trình điện, Đơn vị điện lực thỏa thuận với Khách hàng về trách nhiệm của Khách hàng và Đơn vị điện lực trong việc đầu tư công trình điện, kể cả TU, TI trong hệ thống đo đếm điện (trừ công tơ điện) và sẽ được ghi rõ trong Hợp đồng đầu tư công trình điện giữa hai bên.
– Phần trách nhiệm của Đơn vị điện lực đầu tư theo Hợp đồng đầu tư công trình điện đã ký kết với Khách hàng thực hiện theo các Quy định của EVN về phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư và lập duyệt kế hoạch đầu tư.